Bình giá Hoàn_Xung

Khi xưa Ôn cầm quyền, các tội lớn nhỏ đều tự mình đưa ra quyết định. Xung cho rằng sinh mệnh quan trọng, gặp những tội đáng chết đều tâu lên, rồi mới thi hành.

Xung nhận rằng đức vọng của mình không bằng Tạ An, tự xin ra ngoài, không hề có lời nào oán thán, luôn giữ một lòng trung thành với triều đình nhà Tấn. Ông trấn thủ phía tây, đồng lòng chống giặc, có tác dụng đoàn kết trên dưới triều đình Đông Tấn. Tuy không tham chiến, nhưng đóng góp của ông vào chiến thắng trăm vạn quân Tiền Tần là không hề nhỏ!

Xung tính trong sạch tiết kiệm, sau khi tắm gội, vợ đưa cho áo mới, ông nổi giận, lệnh cho đem đi. Vợ ông đưa trở lại, nói: "Áo không từng mới, làm sao cũ được!" Xung cười mà mặc vào.

Ông lại khiêm nhường và yếu mến kẻ sĩ. Mệnh cho xử sĩ ở Nam Dương là Lưu Lân Chi làm Trưởng sử, Lân Chi không nghe, ông tự đến đón, lễ nghĩa rất hậu. Lại gọi xử sĩ ở Trường Sa là Đặng Sán làm Biệt giá, lễ nghĩa hết sức cung kính. Sán biết ông trọng người hiền, bèn nhận lời.

Khi xưa, Si Giám, Dữu Lượng, Dữu Dực lâm chung, đều dâng biểu gởi gắm thân thích, chỉ có Tạ An và Hoàn Xung là không hề nhắc đến việc riêng. Người biết chuyện đều khen ngợi. Thuyền đưa ông về đến Giang Lăng, già trẻ trai gái xuống bến để đón, kêu khóc đau đớn.